Ý nghĩa Trận_Okinawa

Đài tưởng niệm Cornerstone of Peace với tên của tất cả quân lính và dân thường chết trong trận đánh, cả người Nhật và người nước ngoài

Với việc người Mỹ chiếm được Okinawa, hàng rào phòng thủ cuối cùng vào Nhật Bản đã bị chọc thủng. Giờ đây quân Mỹ đã có một căn cứ hải và không quân quan trọng chỉ cách đảo Kyushu hơn 500 km. Một dự án xây dựng khổng lồ đã được triển khai trên đảo huy động 87.000 công binh để xây dựng 22 sân bay cho Tập đoàn không quân số 8 từ châu Âu chuyển qua và cho cả lực lượng không quân của thủy quân lục chiến và hải quân Mỹ. Kể từ đây những cuộc không kích vào lãnh thổ Nhật Bản đã gia tăng cường độ rất nhiều. Một căn cứ hải quân đã được thiết lập tại Baten Ko tại cực nam vịnh Buckner (đổi tên từ Nakagusuku Wan) để kiểm soát các cảng tại Naha, Chimu Wan, Nago Wan và Katchin Hanto. Hai trận bão khủng khiếp vào tháng 9 và tháng 10 đã gây nhiều tàn phá trên đảo khiến cho căn cứ hải quân phải dời về cực đông nam bán đảo Katchin, nơi bây giờ vẫn còn được gọi là Bãi biển Trắng (White Beach). Okinawa đã trở thành nơi thủy quân lục chiến và lục quân Mỹ chuẩn bị cho chiến dịch Downfall, chiến dịch đổ bộ vào nước Nhật kết thúc chiến tranh.

Sự kiện Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã khiến cho chiến tranh kết thúc và kế hoạch Downfall đã không bao giờ được thực hiện. Trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 53) và Chiến tranh Việt Nam (1965 - 73) sau này, Okinawa đã trở thành một căn cứ quan trọng về hậu cần cho lục quân Mỹ và căn cứ hành quân cho hải quân Mỹ. Trong khi đó, không quân Mỹ lại biến sân bay Kadena thành căn cứ chủ yếu. Đây là nơi xuất phát của các máy bay B29 đi oanh tạc Bắc Triều Tiên hay B52 đi ném bom miền Bắc Việt Nam. Ngày nay, Kadena vẫn là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Châu Á. Ngoài ra, các máy bay trinh sát của Mỹ xuất phát từ Okinawa còn thực hiện các phi vụ do thám khắp châu Á.

Okinawa nằm dưới quyền quản lý của chính quyền quân sự Mỹ từ năm 1945 đến năm 1972. Bằng những điều khoản trong hòa ước sau chiến tranh, các chủ đất trên đảo phải cho quân đội Mỹ thuê đất[24]. Từ đầu thập niên 70, học sinh, sinh viên và những người dân tộc cực đoan đã tổ chức biểu tình, phản đối không chỉ cuộc Chiến tranh Việt Nam mà còn cả việc kiểm soát Okinawa của quân đội Mỹ. Họ yêu cầu quân Mỹ rút toàn bộ khỏi đảo mặc dù người Mỹ đem lại 70% lợi tức cho đảo. Cuối cùng, vào ngày 15 tháng 3 1972, chủ quyền hòn đảo đã chính thức trở về tay Nhật Bản và vịnh Buckner phải đổi trở lại tên cũ là Nakagusuku Wan. Tuy nhiên các căn cứ quân sự của quân Mỹ trên hòn đảo vẫn được giữ nguyên, một số căn cứ được chia sẻ chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Tháng 9 năm 1995, sự kiện lính Mỹ cưỡng hiếp một bé gái 12 tuổi đã làm dấy lại phong trào phản đối sự có mặt của quân Mỹ và nhiều chủ đất đã từ chối cho quân Mỹ thuê đất tiếp. Tháng 4 năm 1996, Mỹ đã phải đồng ý trả lại cho Nhật Bản 20% diện dích đảo mà họ chiếm đóng, vào khoảng 4,900 hectares trong vòng 7 năm.[24]

Ngoài ra, một số sử gia còn cho rằng chính trận Okinawa với tính chất ác liệt của nó đã dẫn đến việc người Mỹ phải sử dụng bom nguyên tử tại HiroshimaNagasaki để kết thúc chiến tranh mà không cần đổ bộ lên nước Nhật. Một trong những sử gia nổi tiếng ủng hộ cho ý kiến này là Victor Davis Hanson. Trong cuốn sách Ripples of Battle của mình, ông đã viết rằng do quân đội và cả thường dân Nhật tại Okinawa chiến đấu quá kiên cường nên buộc lòng người Mỹ phải tìm một giải pháp khác để kết thúc chiến tranh thay cho việc đổ bộ lên đất Nhật. Và với việc sử dụng hai quả bom nguyên tử, người Mỹ đã chứng minh được sức mạnh của mình, buộc nước Nhật phải đầu hàng.

Năm 1995, chính quyền Okinawa đã cho xây dựng một đài tưởng niệm mang tên "Nền móng cho Hòa bình" (Cornerstone of Peace) tại Mabumi, nơi từng là chỉ huy sở cuối cùng của quân Nhật trong trận đánh.[25] Tại đài tưởng niệm này có danh sách tất cả những người đã được biết đến là chết trong các trận đánh, bao gồm dân thường và quân lính, cả người Nhật và người nước ngoài. Đến tháng 6/ 2008, bản danh sách này đã có 240.734 cái tên.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Okinawa http://www.historynet.com/battle-of-okinawa-the-bl... http://www.historynet.com/magazines/world_war_2/30... http://www.jetfxtech.com/ushijima/map.html http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/okinawa/... http://encarta.msn.com/encyclopedia_761566762/Okin... http://www.msnbc.msn.com/id/5130777/ http://www.nytimes.com/1987/06/14/magazine/the-blo... http://www.youtube.com/watch?v=GJmCCOU4rP8 http://www.youtube.com/watch?v=TxU4g4FD_3A&feature... http://www.nps.gov/archive/wapa/indepth/extcontent...